Đi chùa đầu năm 2023 vào ngày nào cho đẹp? Chuẩn bị những gì?

Advertisement

Đi chùa đầu năm vốn là một nét đẹp truyền thống của người Việt Nam ta trong mỗi dịp tết đến xuân về. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu tường tận quy trình và cách sắm lễ sao cho đủ đầy, thành tâm nhất. Nếu bạn cũng vậy thì đừng bỏ qua nội dung đã được Timapp chia sẻ trong bài viết dưới đây.

Đi chùa đầu năm

Ý nghĩa của phong tục đi chùa đầu năm

Từ xa xưa người Việt đã có phong tục đi lễ chùa phật trong những ngày mùng 1, rằm và đặc biệt là tết cổ truyền. Mục đích chính là để cầu cho mưa thuận gió hòa, thuận lợi, may mắn trong mọi việc. Việc đi lễ chùa đầu năm mang ý nghĩa tâm linh nhiều hơn và không phải chỉ có những người theo Đạo Phật thì mới đi lễ. Bất cứ ai theo tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên thì cũng có thể đi chùa để cầu bình an, may mắn.  

Đi chùa đầu năm sẽ là một dịp để tâm hồn mọi người được thanh tịnh, gột rửa những điều xui rủi của năm cũ, đón chào năm mới. Đối với những người làm ăn, kinh doanh thì việc đi chùa còn mang ý nghĩa cầu tài với mong muốn một năm mới thuận lợi, mua may bán đắt. Bên cạnh đó cũng có những người đi chùa để cúng sao giải hạn khi chẳng may gặp phải năm thái tuế.

Ý nghĩa của phong tục đi chùa đầu năm

Bên cạnh việc cầu phúc tại các ban trong chùa, mọi người còn có thể tham gia một số hoạt động khác. Đơn cử như tục xin quẻ, xin xăm, xin chữ đầu năm. Đây cũng là một nét đẹp truyền thống của dân tộc cần được tiếp tục giữ gìn và phát huy hơn nữa.

Đi chùa đầu năm 2023 vào ngày nào cho đẹp?

Đi chùa đầu năm vào từng thời điểm sẽ mang đến những ý nghĩa khác nhau. Vậy, tết 2023 nên đi lễ chùa vào ngày nào cho đẹp? Đó có thể là:

  • Ngày mùng 1 tết 2023 (Ngày 22/1/2023 dương lịch): Đây là ngày khởi đầu của một năm mới nên sẽ rất thích hợp cho việc cầu mong những điều tốt đẹp nhất trong năm.
  • Ngày mùng 2 và mùng 3 tết (Tức ngày 23/1 và 24/1 dương lịch): Muốn cầu Hỷ thần và Tài thần thì bạn nên đi trong 2 ngày này.
  • Ngày mùng 4 tết 2023 (Tức ngày 25/1 dương lịch): Theo quan niệm của người xưa, đây là ngày các vị thần xuống hạ giới để tiếp tục cai quản. Nếu cầu nguyện trong ngày này, các mong ước của bạn sẽ sớm thành hiện thực.
  • Ngày mùng 6 tết 2023: (Tức ngày 27/1 dương lịch): Số 6 có phiên âm Hán Việt là Lục gần với Lộc. Vậy nên nếu bận trong những ngày trên thì bạn có thể đi lễ chùa vào mùng 6 để cầu tài lộc.

Đi lễ chùa đầu năm cần chuẩn bị những gì và quy trình ra sao?

Đi chùa đầu năm muốn linh thiêng và được như ý thì bạn nên biết chuẩn bị những gì và quy trình cụ thể ra sao. Dưới đây là chia sẻ chi tiết.

Đi lễ chùa đầu năm cần chuẩn bị những gì và quy trình ra sao?

Sắm lễ đi chùa

Điều đầu tiên bạn cần làm khi đi lễ chùa đầu năm mới đó chính là chuẩn bị sắm lễ. Vì lễ chùa sẽ ít nhiều sẽ có những quy tắc khác biệt so với lễ đền, đình. Cụ thể:

  • Lễ dâng Phật chỉ nên sắm đồ chay, tịnh như đèn nến, hoa quả, bánh kẹo… Bạn có thể tự chuẩn bị trước ở nhà hoặc mua ngay tại các điểm sắp lễ bên ngoài chùa.
  • Không cần sắm sửa lễ mặn hoặc nếu có cũng chỉ được phép dâng tại các ngôi chùa có thờ các vị Đức Ông, Thánh, Mẫu… Tuyệt đối không đặt lễ mặn tại khu vực chính điện để tránh tội sát sinh. 
  • Hoa đi lễ cần là hoa tươi để tỏ rõ lòng thành kính. Không nên dùng các loại hoa dại, có thể dùng một số loại như hoa sen, hoa cúc, hoa mẫu đơn…
  • Không nên sắm tiền vàng âm phủ, tuyệt đối không đặt vàng mã ở ban thờ Phật, Bồ Tát. Nếu có cũng chỉ nên đặt ở bàn thờ thần linh, Thánh, Mẫu hay Đức Ông.

Hướng dẫn bày lễ ở các ban trong chùa

Nếu mang theo lễ khi đi chùa đầu năm, bạn cần bày lễ sao cho tỏ rõ được lòng thành kính. Cụ thể:

  • Đối với Ban Tam Bảo: Không có lễ cũng không sao nhưng tuyệt đối không được để tiền thật, tiền vàng mã hay lễ mặn ở ban thờ chính. Khi chuẩn bị lễ, bạn cần lưu ý mua đủ 5 món hương – đăng (nến) – hoa – quả – nước. Trong trường hợp không đủ cũng không sao, miễn là bạn thành tâm thì Đức Phật sẽ chứng giám cho.
  • Đối với các ban thờ khác trong chùa: Các Phật tử có thể chuẩn bị lễ cúng Phật tùy theo mong ước của bản thân. 
  • Đối với các ban thờ Đức Ông, Thánh, Mẫu: Có thể bày lễ mặn, lễ tam sanh (Thịt gà, giò, chả…) hay tiền vàng…

Hướng dẫn bày lễ ở các ban trong chùa

Trình tự hành lễ trong chùa chi tiết

Không chỉ có sắm lễ hay bày lễ, trình tự hành lễ cũng là một vấn đề cần quan tâm khi đi chùa đầu năm. Theo đó, bạn có thể tham khảo trình tự như sau để không phạm phải những sai lầm không đáng có đối với bề trên.

  • Bước 1: Tiến hành đặt lễ, thắp hương và làm lễ ở ban thờ Đức Ông đầu tiên.
  • Bước 2: Đặt lễ lên hương án chính điện, thắp đèn nhang. Sau đó tiến hành thỉnh 3 hồi chuông trước khi làm lễ chư Phật, Bồ Tát.
  • Bước 3: Thỉnh 3 – 5 lễ, thắp hương cầu khấn tại tất cả các ban còn lại. Bên cạnh đó đừng quên dâng hương tại điện thờ Mẫu và Tứ Phủ nếu chùa có 2 ban thờ này.
  • Bước 5: Làm lễ ở nhà thờ tổ hay còn gọi là nhà hậu.
  • Bước 6: Đến trai giới hỏi thăm các vị sư tăng, trụ trì hoặc công đức tùy tâm.

Lưu ý quan trọng cần biết khi đi chùa đầu năm mới

Để đạt được như ý nguyện và tránh mất thiêng thì bạn cần nắm được một số lưu ý sau khi đi chùa đầu năm mới.

Lưu ý quan trọng cần biết khi đi chùa đầu năm mới

  • Khi đi qua cổng Tam quan để vào chùa, nữ giới nên bước chân phải vào trước còn nam giới nên bước chân trái vào.
  • Số lượng hương được thắp sẽ mang những ý nghĩa khác nhau. Thắp 3 nén là cầu cho mình, 6 nén là cho con cháu, 9 nén là cho cha mẹ, ông bà. Thắp tối đa 13 nén để thể hiện công đức viên mãn.
  • Muốn thắp hương không bị mất thiêng, bạn cần lưu ý tay trái lấy hương còn tay phải châm đèn.
  • Tư thế thắp hương đúng chuẩn: Tay trái đặt ở trên, tay phải đặt ở dưới, khi cúng cần giơ tay cao ngang trán. Sau khi cắm hương, bạn cần gập đầu trong tư thế lòng luôn hướng về Đức Phật.
  • Tư thế quỳ lạy đúng chuẩn: Khi quỳ gối thì 2 đầu gối phải song song với nhau. Lúc bái lạy, tay giơ tới miệng thì hãy khấn nguyện, tay giơ ngang ngực thì mặc niệm. Sau khi cầu khấn xong, bạn cần cúi người xuống để tạ ơn trên. Vừa gập đầu sát mặt đất, 2 bàn tay mở ra và đặt ở 2 bên người. Làm như vậy 3 lần rồi đứng dậy.
  • Khi đứng khấn vái nên đứng chếch sang một bên, không đứng hoặc quỳ ở giữa Phật đường.
  • Khi vào Phật đường, bạn cần lưu ý đến các quy định của chùa như không đi dép vào Tam Bảo, không hút thuốc, không gây ầm ĩ ảnh hưởng đến chốn thanh tịnh, linh thiêng. 
  • Không được tự ý lấy hoặc mang bất cứ đồ đạc gì của chùa về nhà vì sẽ phạm phải tội “đạo dụng thập phương thường trụ” (trộm dùng đồ lễ của chúng sinh cúng dường).
  • Khi đi vào Tam Bảo, không đi cửa chính giữa, chỉ đi cửa bên, không dẫm lên bậu cửa mà phải bước qua. 
  • Mặc đồ trang trọng, lịch sự khi đến cửa chùa vì đây là nơi thanh tịnh. Các bạn nữ không nên mặc đồ quá ngắn như váy, quần đùi, không ăn mặc hở hang tránh gây phản cảm.
  • Không nên mang theo đồ đạc lỉnh kỉnh khi vào Tam Bảo bái phật nếu không muốn mọi công đức đều bị tiêu tán.
  • Nếu muốn chiêm ngưỡng Phật tổ, chỉ nên đứng ngoài để quan sát, không nên ngắm nghía, nhìn ngang, ngó dọc, bình phẩm. 

Một số câu hỏi liên quan đến tục đi chùa đầu năm

Có nên đi chùa vào buổi tối không?

Theo quy định thì không có điều khoản nào cấm đi chùa vào buổi tối. Vì vậy bạn vẫn có thể đến chùa cầu may vào buổi tối nếu  sáng không có thời gian. 

Nên đi lễ ở chùa hay đền trước?

Việc đi chùa hay đền đều mang ý nghĩa là để cầu điều vui vẻ, may mắn. Vì vậy, bạn có thể lựa chọn 1 trong 2 nơi tùy theo tín ngưỡng, mức độ gần xa. Trong trường hợp đền và chùa ở cùng một địa điểm thì bạn nên tiến hành nghi lễ ở chùa trước, sau đó mới đến Đền. Bởi vì theo quan điểm ở một số nơi thì nên thờ Phật trước, sau đó mới đến các vị thần chủ cai quản địa phương.

Nên cầu gì khi đến chùa ngày đầu năm mới?

Chùa chiền vốn mang ý nghĩa linh thiêng, không có vật chất, tiền tài để cho ai. Vì vậy, thay vì cầu công danh, tài lộc thì bạn nên cầu bình an, hướng thiện để có cuộc sống thoải mái, an nhiên. Nếu muốn cầu công danh, tài lộc hay chuyện tình duyên thì bạn nên thành tâm cẩn tấu tại đình, đền, miếu thờ Thánh Thần thì sẽ phù hợp hơn.

Không nên cầu gì ở chùa để tránh việc bất kính?

Không nên cầu tiền bạc, công danh hay vật chất đại loại như việc trúng số hay thăng quan tiến chức. 
Không nên nguyện cúng dường chư Phật vì Phật độ từ tâm.
Không nguyện cúng dường 3 cảnh giới (Tiên – Trần – Âm).

Khấn như thế nào?

Thường thì ở các ban thờ, các sư thầy đã chuẩn bị sẵn bài cúng cho tăng ni, phật tử hoặc chư vị tứ phương. Do đó, bạn chỉ cần đọc theo mẫu nếu không biết cách khấn như thế nào cho đúng. Tuy nhiên, quan trọng nhất vấn là thành tâm để Đức Phật chiếu cố, ban phước lành.

Có nên xin chữ đầu năm trong chùa?

Đây vốn là một nét đẹp truyền thống của người Việt trong nhiều năm qua. Xin chữ ngày đầu xuân là để cầu mong những điều may mắn sẽ đến cho bản thân, gia đình, bạn bè. Vì vậy, nếu có thời gian, bạn nên tham gia hoạt động thú vị này.

Đi chùa đầu năm vốn là một nét đẹp không thể thiếu của người Việt trong mỗi dịp tết đến xuân về. Đây sẽ là dịp để chúng ta được trút bỏ những lo âu, muộn phiền, tìm thấy sự an nhàn, thảnh thơi, cầu cho một năm bình an, hạnh phúc. Hy vọng chia sẻ vừa rồi của chúng tôi sẽ giúp ích được phần nào cho bạn. Xin kính chúc các độc giả của Timapp một năm mới dồi dào sức khỏe, ngập tràn niềm vui và luôn luôn hạnh phúc.

>>> Xem thêm: Ngày giờ xuất hành tốt vượng tài lộc đầu xuân Quý Mão 2023

Advertisement

Chia sẻ:

Hồng Anh

Tác giả: Hồng Anh